Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Bộ Y tế đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021, tức sẽ tiêm đủ cho 70% dân số. Liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu này, khi tiến độ vắc xin về rất chậm?
Tuổi Trẻ đã gặp gỡ ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Thuấn cho biết:
- Có nhiều nguồn vắc xin: Chính phủ điện đàm với lãnh đạo các nước, đàm phán với nhà sản xuất, từ nguồn của COVAX Facility đã và đang về Việt Nam; nguồn thứ hai từ thỏa thuận ba bên giữa Bộ Y tế, Công ty AstraZeneca và Công ty VNVC.
Một nguồn nữa là Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer mua 31 triệu liều. Cách đây vài ngày, sau khi có chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã đàm phán thành công mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga.
Bên cạnh đó còn có nguồn của các tổ chức, các quốc gia hỗ trợ, như Nhật Bản hỗ trợ 1 triệu liều và có thể hỗ trợ thêm; Trung Quốc cũng hỗ trợ và lô vắcxin vừa đến VN vào ngày 20-6. Bộ Y tế đang đàm phán thêm với các đối tác và đang chờ ý kiến chính phủ nước bạn, tiến tới đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ để đưa vào kênh đàm phán chính thức giữa chính phủ hai nước, nhằm sớm có thêm vắc xin cho Việt Nam.
Ngoài ra, các nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước cũng đang có tiến triển tốt, vắc xin của Nanogen (vắc xin Nano Covax) đã xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo Luật dược, vắc xin hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 mới có thể đề xuất cấp phép, nhưng trong trường hợp khẩn cấp Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt vắc xin sớm. Một đơn vị khác cũng đang được giao đàm phán nhận chuyển giao công nghệ vắc xin ngừa COVID-19 hiện đại mRNA.
Hiện đàm phán đã thành công, đơn vị này đang xây dựng cơ sở vật chất để có thể sản xuất vắc xin ngay trong 2021.
Bộ Y tế đã và đang cố gắng huy động tối đa, nhanh nhất để có vắc xin cho Việt Nam, bên cạnh nghiên cứu phát triển vắc xin nội để chúng ta có thể tự chủ được vắc xin".
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: VIỆT DŨNG
Có thể tiêm 10 triệu mũi/tháng
* Số lượng vắc xin Việt Nam tiếp cận được như trên là rất lớn, nhưng về tiến độ cung cấp còn đang chậm. Tới đây tình hình này có được cải thiện không, thưa ông?
- Về tiến độ cung cấp tới đây tôi cho rằng sẽ tốt hơn, bởi các hợp đồng của Việt Nam hầu hết là mới ký, đối tác sẽ chuyển giao theo hợp đồng và hợp đồng cũng ưu tiên cung cấp trong năm 2021.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Chính phủ, của Chủ tịch nước đã thúc đẩy các công ty cung ứng cho Việt Nam tới đây theo đúng tiến độ, mặc dù nguồn cung hạn chế. Sự hỗ trợ này có tác động thuận lợi để Việt Nam sớm nhận nguồn vắc xin đã đàm phán được chuyển sớm về Việt Nam.
Ngoài ra, sau khi Việt Nam đàm phán mua được vắc xin Moderna, Pfizer, nhiều công ty vắc xin lớn của thế giới đang hoàn thiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để có thể có nguồn cung cho thế giới cũng bày tỏ sẵn sàng cung cấp thêm vắc xin cho Việt Nam.
* Với lượng vắc xin này, như lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ ý định trong năm 2021 sẽ tiêm được cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu này thực hiện có khả thi không, thưa ông, bởi bây giờ đã sắp hết tháng 6 mà mới có khoảng 2,4 triệu người được tiêm chủng?
- Thực tế đây là mục tiêu mà Bộ Y tế phấn đấu đạt được. Chúng tôi đang nỗ lực và hy vọng đạt được mục tiêu đó trong năm nay, do có niềm tin về nguồn cung vắcxin. Thứ hai, Bộ Y tế được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới đây sẽ thành lập một ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia, trụ sở ban này đặt ở Bộ Quốc phòng, với sự hỗ trợ rất tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin - truyền thông, từ đó đưa ra một chu trình hoàn chỉnh cho việc tiêm chủng, chắc chắn việc điều phối từ trung ương đến địa phương sẽ hiệu quả, khoa học.
Ngoài ra, hệ thống tiêm chủng của Việt Nam cũng rất có kinh nghiệm. Tất nhiên đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, Bộ Y tế cũng rất cẩn trọng, đã đưa ra các bước đi phù hợp: tập huấn nhiều lần từ trung ương, tỉnh, huyện, tập huấn đội ngũ trực tiếp tham gia tiêm chủng, chỉ cho phép cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng tham gia đợt này để tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Về tốc độ tiêm chủng, chúng ta hoàn toàn có thể tiêm được 10 triệu mũi/tháng hoặc hơn thế do chúng tôi huy động cả hệ thống y tế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hệ thống y tế tư nhân... tham gia.
* Thưa ông, 70% dân số được tiêm chủng trong năm 2021 là mong muốn rất lớn, nhưng nếu không đạt được thì sớm nhất bao giờ chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng?
- Mục tiêu sớm nhất là hết năm 2021, nhưng nếu do những yếu tố bất khả kháng, lý do khách quan, đặc biệt do nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, thì sẽ cố gắng hoàn thiện mục tiêu này trong 6 tháng đầu năm 2022.
Sẽ sớm có chính sách tiêm chủng mở rộng
* Gần đây có 53 y bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo ông, hiệu quả thực tế của vắc xin liệu có như mong đợi?
- Phải nói rằng không có vắc xin nào đảm bảo miễn dịch 100%, cũng như an toàn 100%. Chúng ta đánh giá hiệu quả của vắc xin dựa trên nhiều yếu tố: thứ nhất là về phòng bệnh, thứ hai là khả năng giúp hạn chế lây lan, thứ ba là giảm tử vong khi mắc bệnh.
Các vắc xin hiện tại đang lưu hành có tỉ lệ giảm mắc thì tùy từng loại vắc xin, như vắc xin AstraZeneca từ 65 - 82%, vắc xin của Pfizer và Moderna thì dao động trong khoảng 90 - 95% và tỉ lệ tử vong đối với các vắc xin hiện tại đang lưu hành giảm được 100%.
* Có ý kiến cho rằng việc chống dịch trong 1 năm rưỡi qua ở Việt Nam rất tốt, nhưng khi chuyển sang giai đoạn vắc xin thì chúng ta bị chậm, lỡ nhịp. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Việc tiêm vắc xin như chỉ đạo của Thủ tướng là biện pháp căn bản, lâu dài để chúng ta có vũ khí tấn công virus, đây là yếu tố quyết định để chống dịch có thành công hay không. Thứ hai, về vấn đề vắc xin, ngay từ những tháng ngày đầu tiên khi xảy ra dịch năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế bên cạnh việc nghiên cứu phát triển vắc xin thì phải quyết liệt mua vắc xin.
Bộ Y tế đã sử dụng các kênh, các diễn đàn, với sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, đến nay đã ký kết được với nhiều đối tác như tôi đã nói ở trên.
Nhưng trong quá trình chuyển vắc xin cho Việt Nam, các đối tác cung cấp cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tỉ lệ mắc COVID-19 của từng nước; có thời điểm Việt Nam chuẩn bị nhận được vắc xin của COVAX thì Campuchia xảy ra dịch lớn, COVAX đã chuyển lô vắc xin đó cho Campuchia, đó là yếu tố khách quan.
Bộ Y tế đã và đang cố gắng huy động tối đa, nhanh nhất để có vắc xin cho Việt Nam, bên cạnh nghiên cứu phát triển vắc xin nội để chúng ta có thể tự chủ được vắc xin.
* Như ông nói nguồn vắc xin khá dồi dào, vậy khi nào những người dân bình thường của Việt Nam có thể được tiêm vắc xin?
- Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện việc tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 và có những chính sách để mở rộng tiêm chủng, tiến tới tiêm chủng sớm nhất cho tất cả mọi người có chỉ định tiêm ngừa.
Đã nhận được 4,3 triệu liều vắc xin
Cho đến 20-6, Việt Nam đã nhận được khoảng 4,3 triệu liều vắc xin từ 4 nguồn: COVAX, Nhật Bản và Trung Quốc hỗ trợ, Bộ Y tế mua thông qua Công ty VNVC. Dự kiến tuần đầu tháng 7 tới sẽ có thêm 1,6 triệu liều vắc xin từ COVAX về đến Việt Nam. Trong tháng 7, dự kiến Việt Nam cũng sẽ nhận được vắc xin mua từ Pfizer (ít nhất 1 lô).
Tính đến 19-6, đã có gần 2,36 triệu người được tiêm chủng ngừa COVID-19 (tiêm 1 mũi), trên 115.300 người tiêm đủ 2 mũi.