Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nhân trần – Thức uống giải khát lại có thể trị bệnh và những lưu ý khi dùng
Nước nhân trần được xem như một thức uống giải khát ở nhiều quán nước vỉa hè, trong các gia đình… Loài cây này nếu biết cách sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Nhân trần nấu nước có mùi thơm dịu nhẹ, vị đắng hơi cay, nhưng nuốt xuống rồi lại có dư vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Nhân trần đá vỉa hè là thức uống giải khát quen thuộc với nhiều người. Đây cũng là vị thuốc quý chữa các bệnh về gan, bí tiểu tiện và dùng cho phụ nữ sau sinh.
Nhân trần còn có tên khác là hoắc hương núi vì hương thơm đặc trưng toả ra từ toàn thân. Cây có tên khoa học là Adenosma cearuleum, họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Bộ phận sử dụng là toàn cây trên mặt đất khi đang ra hoa, rửa sạch, phơi nơi thoáng gió cho khô, tránh phơi nơi quá nóng sẽ làm giảm hương vị.
Một số tác dụng của Nhân trần theo Y học hiện đại
- Tác dụng tăng tiết mật và thải độc gan: Giúp quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra tốt hơn, hỗ trợ chức năng bài độc của gan.
- Tác dụng chống viêm: Dùng trong điều trị một số bệnh viêm gan vàng da.
- Tác dụng giảm mỡ máu, giãn mạch vành và hạ huyết áp.
- Tác dụng kháng khuẩn: Ức chế mạnh với tụ cầu (Staphyllococcus) và liên cầu khuẩn (Streptococcus). Năm 1956, trong Dược học tạp chí có thông tin rằng, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh được tác dụng ức chế của nhân trần dối với một số khuẩn gây bệnh ngoài da và tác dụng này không giảm dù vị thuốc có xử lý trên 100°C.
Vị thuốc nhân trần theo Y học cổ truyền
Nhân trần có vị đắng, cay, tính hơi hàn, quy kinh Tỳ, Vị, Can, Đởm. Có tác dụng tốt trong một số chứng bệnh sau:
1. Thanh thấp nhiệt can đởm: Bệnh viêm gan vàng da, viêm túi mật, sốt cao, tiểu tiện ít, nước tiểu đỏ, có thể sắc riêng 40g Nhân trần, hoặc phối hợp với Chi tử, Cốt khí, Sơn tra.
Hoặc bệnh vàng da mà chân tay vô lực, lạnh giá dùng bài Nhân trần tứ nghịch thang: Nhân trần 24g, Phụ tử 12g, Can khương 8g, Cam thảo 4g. Khi viêm túi mật, sỏi mật có thể phối hợp với Uất kim, Khương hoàng, Bồ công anh.
2. Thông kinh hoạt lạc: Dùng trong bệnh kinh nguyệt không đều, hoặc khi có kinh dẫn đến đau bụng, phối hợp với Ích mẫu và Trần bì.
3. Phát tán, giải biểu nhiệt: Dùng trong chứng vừa nóng vừa rét, đau đầu, mũi ngạt, chảy nước mũi, có thể phối hợp với các thuốc giải biểu, cay, mát như Kinh giới, Tía tô…
4. Sáp niệu: Dùng trong bệnh nước tiểu đục trắng, tiểu tiện không cầm, không nhịn tiểu được. Dùng Nhân trần phối hợp với mộc thông, lượng bằng nhau. Song song dùng một nắm lá hẹ nấu nước xông. Liều dùng 20 – 40g.
5. Chữa sốt vàng da: Có chứng ra mồ hôi ở đầu, người không có mồ hôi, miệng khô, tiểu tiện khó khăn, bụng đầy. Dùng Nhân trần cao thang (Nhân trần 24g, Chi tử 12g, Đại hoàng 4g, nước 800ml, sắc còn 250ml, chia ba lần uống trong ngày)
6. Trong dân gian, nhân trần thường được dùng cho phụ nữ sau sinh để giúp ăn ngon, chóng phục hồi sức khoẻ. Còn dùng để chữa sốt, ra mồ hôi, thông tiểu tiện, chữa bệnh vàng da, bệnh gan.
Lưu ý khi dùng:
Khi làm trà nhân trần, nhiều người có thói quen kết hợp với cam thảo nhằm mục đích lấy vị ngọt của cam thảo để bình hoà lại vị đắng của nhân trần mà vẫn giữ nguyên vẹn hương thơm. Tuy nhiên, đây là một cách kết hợp khập khiễng và không có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt với đối tượng tăng huyết áp. Nguyên nhân là vì, nhân trần có tác dụng thanh nhiệt và lợi tiểu, trong khi cam thảo thì bổ khí, giữ nước gây tăng huyết áp. Tác dụng trái ngược nhau, nếu dùng lâu dài quả thực là không tốt cho cơ thể. Tốt nhất là chỉ uống nhân trần hoặc có thể dùng đường viên để giảm bớt vị đắng.
Không uống nước nhân trần mỗi ngày và lâu dài mà không có chỉ định của bác sĩ. Theo y học hiện đại, nước này có tác dụng tăng tiết mật, thúc đẩy công năng của gan nhằm tăng cường tiêu hoá. Tuy nhiên, nếu kích thích liên tục và quá nhiều sẽ gây phản ứng ngược, dẫn tới chán ăn. Còn xét về phương diện Y học cổ truyền, nhân trần vị đắng, thanh nhiệt lợi tiểu; khi dùng lâu dài sẽ gây mất tân dịch, thiếu nước mà làm cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung.
Cần tìm mua vị thuốc này ở địa điểm có uy tín để tránh vấn đề sức khoẻ phát sinh do có sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản trong quá trình trồng, thu hoạch và lưu trữ, phân phối.
Mộc Chi